Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần 2

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN.

Cuộc bỏ phiếu với Việt Nam ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) lần hai sẽ diễn ra vào tháng 6/2019, ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết tại Hội thảo quốc tế "Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020 - 2021" tại Hà Nội. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý đánh giá việc ứng cử lần này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển. Đây là sự thể hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, và sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.  Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên không thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm. 

Thứ trưởng Quý nhận định tình hình an ninh quốc tế hiện nay còn nhiều thách thức phức tạp, có nguồn gốc từ các mâu thuẫn giữa các quốc gia. Các nước cũng có các vấn đề bên trong, có va chạm trực tiếp và gián tiếp giữa các nước lớn và các thách thức an ninh phi truyền thống. 

Chia sẻ về trông đợi của cộng đồng quốc tế nếu Việt Nam trúng cử, Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thuỵ Điển tại HĐBA Liên Hợp Quốc cho hay Việt Nam đã thể hiện mình là một bên đáng tin cậy khi đề cao các luật lệ quốc tế nói chung, trong đó có luật biển.

"Vì thế tôi cho rằng các nước trông đợi Việt Nam tiếp tục truyền thống tôn trọng luật quốc tế đó, khi Hà Nội tham gia HĐBA Liên Hợp Quốc", ông Skoog trả lời câu hỏi của VnExpress. 

Theo Đại sứ Thuỵ Điển, sự trông đợi của cộng đồng quốc tế với Việt Nam trong HĐBA sẽ ở mức cao. Hà Nội hiểu rõ những tai hoạ tác động đến thế giới như thế nào và ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hoà bình đối với các xung đột, thúc đẩy chương trình nghị sự bảo vệ người dân.

Ông Skoog cũng nêu lên một số thách thức mà các thành viên không thường trực của HĐBA sẽ phải đối diện, đó là chương trình nghị có yêu cầu rất cao, các thành viên thường trực có nhiều nhân lực và kinh nghiệm hơn, vì thế các nước không thường trực cần có chuẩn bị rất kỹ để thực hiện tốt vai trò của mình. Một thách thức khác là các thành viên thường trực có quyền phủ quyết, làm cản trở tiến trình đạt được một kết quả chung về một vấn đề nào đó. 

Mặc dù vậy, Đại sứ Thuỵ Điển khuyến cáo các thành viên không thường trực không nên đánh giá thấp những gì mình có thể làm. Nếu chuẩn bị tốt, các nước có thể đóng vai trò tích cực với các vấn đề quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các thành viên thường trực đôi lúc gần như ở trong tình trạng chiến tranh lạnh.

Khánh Lynh

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét